Bạn đã bao giờ nghe đến cụm từ “Bao bì thông minh” chưa? Đây là một xu hướng mới nổi lên trong vài năm gần đây nhưng nó đang dần khẳng định vai trò của mình trên thị trường thế giới. Nếu bạn cũng quan tâm đến ngành đóng gói bao bì, hãy cập nhật ngay xu hướng này. Cùng Đức Phát tìm hiểu về bao bì thông minh, xu hướng sử dụng bao bì thông minh hiện nay trong bài viết này nhé!
Bao bì thông minh là gì?
Bao bì thông minh (tiếng Anh là Intelligent Packaging hay Active Packaging hay Smart Packaging) là từ chỉ chung cho các loại bao bì có chức năng:
- Kéo dài tuổi thọ của sản phẩm
- Kiểm tra, giám sát độ tươi, chất lượng sản phẩm
- Thể hiện thông tin về chất lượng
- Nâng cao tính an toàn và tiện lợi cho sản phẩm.
Bao bì thông minh được ứng dụng đối với thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm và nhiều loại hàng hóa khác. Trong đó, thực phẩm tươi sống, đông lạnh hiện thu hút nhiều sự chú ý nhất.
Bao bì thông minh được nhận diện thông qua ba yếu tố chính bao gồm: Yếu tố môi trường, mã dữ liệu và cảm biến hay chỉ báo.
Yếu tố môi trường
Một trong điều làm nên bao bì thông minh là xu hướng bao bì xanh hay bao bì tích cực.
Bao bì xanh là loại bao bì thân thiện với môi trường. Chúng được làm từ những loại nguyên liệu có thể tái tạo. Ví dụ như bao bì có thành phần làm từ bột ngô, mía, tinh bột khoai tây và các vật liệu phân hủy sinh học khác như giấy và bìa cứng.
Ngoài ra, một số loại bao bì có thể trở thành phân bón sau khi phân hủy. Ở Úc, có rất nhiều giấy chứng nhận cho các loại bao bì phân hủy sinh học hoặc phân rã (tạo compost) như AS 4736, AS 5810, EN 13432,… Còn ở Việt Nam hiện nay có thể áp dụng các tiêu chuẩn TCVN 12259:2018 hoặc ISO 18606:2013, EN 13432 để cấp cho bao bì phân hủy sinh học.
Trong thực tế, bao bì xanh đang dần được ứng dụng tương đối rộng rãi ở Việt Nam. Các ngành sử dụng bao bì xanh nhiều nhất là thực phẩm và dược mỹ phẩm. Nhiều thương hiệu, cơ sở bán đồ ăn, đồ uống sử dụng ống hút, thìa làm từ bã mía, tre, bột gạo, giấy,… Hãng mỹ phẩm Cỏ Mềm tại Việt Nam, các bao bì cấp 1 trực tiếp chứa sản phẩm đều được làm từ các nguyên liệu có thể tái chế như nhôm, nhựa PET số 1. Còn với Cocoon, một hãng mỹ phẩm khác của Việt Nam, cho phép khách hàng giữ lại túi refill và tích lũy các chai lọ sản phẩm của hãng để tham gia chương trình đổi vỏ chai.
Xem thêm: Các Loại Bao Bì Phù Hợp Để Đóng Gói Đậu Phộng Lạc Rang
Mã dữ liệu
Mã dữ liệu được sử dụng để cung cấp các thông tin cần thiết về sản phẩm. Những dữ liệu này giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, tăng khả năng tự động hóa và chống hàng giả, hàng nhái. Để đảm bảo được điều này, khi quét mã dữ liệu, nó sẽ hiện lên các thông tin về lưu trữ, lưu kho, phân phối và các thông tin khác. Trong ngành đóng gói, mã dữ liệu có thể được dán lên bao bì sản phẩm thông qua máy đóng gói bao bì.
Mã vạch (Barcode)
Hai loại mã dữ liệu được sử dụng rộng rãi và phổ biến nhất hiện nay là mã vạch 2D và mã QR, gọi chung là mã vạch (Barcode). Những ưu điểm của mã vạch là rẻ, dễ sử dụng và được sử dụng chủ yếu để kiểm soát hàng tồn kho thuận lợi hơn, ghi chép hàng tồn và thanh toán. Mã vạch có thể chia thành mã vạch một chiều và mã vạch hai chiều. Tùy theo loại mã vạch, chúng sẽ có dung lượng lưu trữ khác nhau.
Mã vạch một chiều là loại có các khoảng trống và vạch song song nhau.
Mã vạch hai chiều thường chứa dung lượng bộ nhớ lớn hơn bởi sự kết hợp của các dấu chấm và khoảng trống được sắp xếp thành một mảng hoặc ma trận.
RFID
Bên cạnh mã vạch, một loại mã dữ liệu nữa được sử dụng là công nghệ RFID (Xác thực qua tần số vô tuyến). Thẻ RFID có thể lưu trữ dữ liệu lên tới 1 MB, có hình dáng là thẻ chip. Bao bì được gắn một thẻ chip ở bên dưới. Khi thẻ chip này được quét hoặc cho vào đầu đọc, các thông tin sản phẩm sẽ hiện lên.
Cảm biến
Cảm biến là thiết bị được dùng để phát hiện, định vị hoặc định lượng, đo lường tính chất vật lý hoặc hóa học của sản phẩm. Trong bao bì thông minh, cảm biến đem lại thông tin về chất lượng sản phẩm theo thời gian thực.
TTIs (Cảm biến nhiệt độ thời gian)
Công nghệ TTIs (Chỉ báo nhiệt độ thời gian) là một loại tem có chức năng xác định, cảnh báo chất lượng của sản phẩm dựa trên sự đo lường nhiệt độ. Nó có liên quan đến việc xác định vòng đời của hàng hóa. Cụ thể, một số loại sản phẩm khi vận chuyển nếu nhiệt độ tăng quá cao có thể khiến vi khuẩn sinh sôi, làm hư hỏng sản phẩm. Vì vậy với các loại hàng hóa có yêu cầu nghiêm ngặt về nhiệt độ bảo quản, chỉ báo nhiệt độ thời gian rất quan trọng.
Bên cạnh đó, cũng có những loại cảm biến với những chức năng đo lường riêng, ví dụ như cảm biến đo lường độ tươi của thịt thông qua màu, chỉ báo đo lường theo pH hoặc theo mức độ oxy hóa của sản phẩm. Bạn có thể tham khảo ở hình dưới đây.
Cảm biến khí gas
Một số loại cảm biến khác là cảm biến khí gas được dùng để phát hiện một số loại khí gas như Salmonella, E. Coli, Listeria, và Campylobacter. Những khí gas này chủ yếu gây ra các bệnh về đường ruột, dạ dày, khiến người bị nhiễm khuẩn có những triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, sốt,…
Xem thêm: Các Cách Đóng Gói Bao Thực Phẩm Tự Động
Lợi ích và nhược điểm của bao bì thông minh
Tại sao nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn trên thế giới lại quan tâm đến bao bì thông minh như vậy? Hãy cùng Đức Phát điểm qua những lợi ích và nhược điểm của bao bì thông minh để hiểu thêm về xu hướng bao bì mới toanh này nhé!
Lợi ích
Kiểm soát chất lượng thực phẩm
Các chỉ báo và cảm biến có thể chỉ ra trạng thái chất lượng của sản phẩm. Nó có khả năng phát hiện và cảnh báo người tiêu dùng nếu sản phẩm đã bị hỏng hoặc không còn tươi. Nhờ vậy, người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn thực phẩm một cách an toàn. Còn về phía doanh nghiệp sản xuất, các phương pháp đóng gói thông minh giúp họ giám sát, thử nghiệm được quá trình biến đổi của sản phẩm, từ đó tính toán và tìm các biện pháp thích hợp để kéo dài tuổi thọ của sản phẩm.
Tăng tương tác với người tiêu dùng
Việc sử dụng mã dữ liệu cho người dùng biết ngay lập tức về các thông tin của sản phẩm, thương hiệu cũng như tính xác thực của sản phẩm. Nhờ đó, trải nghiệm của khách hàng đối với sản phẩm tốt hơn, khách hàng có xu hướng trung thành với nhãn hàng hơn.
Trao quyền cho khách hàng
Bao bì thông minh cung cấp cho khách hàng mọi thông tin cần thiết về sản phẩm lẫn bao bì, thậm chí cả hành trình của sản phẩm, chất lượng của hàng hóa theo thời gian thực. Có thể thấy bao bì thông minh đang trao quyền lợi rất lớn cho khách hàng. Quyền lợi này có ngay cả trước khi phát sinh hành vi mua hàng.
Giúp nhà sản xuất truy vết sản phẩm lỗi
Trong một vài trường hợp hiếm hoi, nhà sản xuất sẽ có những lô sản xuất lỗi đã được bán ngoài thị trường. Lúc này, nếu doanh nghiệp không hành động nhanh, sản phẩm có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng và gây ra những tranh cãi về uy tín của thương hiệu. Trên thực tế, đã từng có nhiều vụ việc tươg tự xảy ra.
Gần đây nhất, hãng dược phẩm Kobayashi của Nhật Bản đã phải đối mặt với khủng hoảng khi lô sản phẩm bổ sung men gạo đỏ do công ty sản xuất khiến cho 5 người tử vong và hơn 100 người phải nhập viện. Mặc dù đã thu hồi các lô sản phẩm có liên quan, hãng vẫn gặp phải chỉ trích lớn về việc quá chậm trễ khi báo cáo vấn đề. Thiệt hại của vụ việc này không chỉ là doanh thu bị mất đi mà còn là tính mạng, sức khỏe của người dùng và về lâu dài, là niềm tin của mọi người đối với nhãn hàng.
Bao bì thông minh có thể đánh mã vạch hoặc gắn chip giúp nhà sản xuất truy vết và tập kết sản phẩm trong thời gian ngắn. Từ đó, nó hạn chế tối đa những rủi ro xảy ra.
Nâng cao tính bền vững
Bao bì thông minh hướng đến các chất liệu xanh thân thiện với môi trường. Mục tiêu của bao bì thông minh là thay thế cho bao bì nhựa. Vì vậy, bao bì thông minh giúp giảm chất thải độc hại ra môi trường, nâng cao tính bền vững.
Nhược điểm
Chi phí cao
Những công nghệ được ứng dụng cho bao bì như RFID, TTIs, cảm biến khí gas,… có thể mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng trong quá trình chọn lựa sản phẩm. Nhưng đồng thời, chi phí bỏ ra cho bao bì cũng tốn kém hơn. Điều này dẫn tới giá cả của sản phẩm tăng lên. Người tiêu dùng có thể e ngại và nghi ngờ về độ hữu dụng và ý nghĩa của bao bì thông minh.
Làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng
Ở cùng mức giá, người tiêu dùng đương nhiên muốn chọn sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Người mua hàng có xu hướng bỏ lại sản phẩm có màu chỉ báo không tốt lên giá và chọn sản phẩm có màu chỉ báo thể hiện độ tươi cao. Khi khách hàng nào cũng làm vậy, lượng sản phẩm tồn kho sẽ tăng lên. Tỷ lệ hư hỏng, lãng phí, đặc biệt với thực phẩm có thể xảy ra. Nếu khách hàng thường xuyên thấy sản phẩm của một nhãn hàng có chỉ báo chất lượng thấp, khách hàng có nguy cơ mất niềm tin vào nhãn hàng.
Xu hướng sử dụng bao bì thông minh
Như vậy, bao bì thông minh thường có ít nhất một trong ba yếu tố được nêu ra ở trên:
- Bao bì xanh thân thiện với môi trường
- Khả năng cung cấp thông tin sản phẩm thông qua mã dữ liệu
- Cảm biến giúp nhận biết tình trạng, chất lượng của sản phẩm theo thời gian thực
Xu hướng sử dụng bao bì thông minh hiện nay
Có một sự thật mà chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy trong nhiều năm qua với ngành đóng gói. Đó là sự xoay chuyển của bao bì xanh và việc sử dụng mã vạch, mã QR cho bao bì sản phẩm.
Khác với trước đây, người tiêu dùng ngày càng có nhận thức cao hơn về rác thải nhựa. Ngày càng nhiều người tìm mua sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường. Một nghiên cứu của Công ty Nielsen đã chỉ ra 86% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả thêm tiền cho các sản phẩm có bao bì sinh học hoặc tái chế. Vì vậy, chi phí của bao bì không hoàn toàn là một vấn đề lớn gây ảnh hưởng tới quyết định mua hàng.
Về mã dữ liệu, mã vạch đã được sử dụng cho bao bì hàng chục năm. Nhưng khi mã QR ra đời, nó đã nhanh chóng trở thành hiện tượng và bùng nổ trên mọi lĩnh vực. Mã QR đem lại nhiều thông tin về sản phẩm hơn so với mã vạch một chiều. Nó có thể cho người tiêu dùng biết cả về cách sử dụng, hành trình của sản phẩm,… Tại Việt Nam, việc sử dụng mã QR để thanh toán được ứng dụng rộng rãi chưa từng có.
Xu hướng sử dụng bao bì thông minh trong tương lai
Trong tương lai, bao bì thông minh có trở nên phổ biến và chiếm lĩnh thị trường hay không?
Với những gì mà bao bì xanh và mã vạch, mã QR đã làm được thì việc bao bì thông minh trở nên phổ biến trong tương lai là hoàn toàn có thể. Thời đại của công nghệ đang làm chao đảo toàn thế giới và bao bì không phải là ngoại lệ. Không chỉ là việc sử dụng công nghệ cao cho mã dữ liệu hay cảm biến để kiểm soát chất lượng của sản phẩm, các công nghệ hiện đại như công nghệ AR, công nghệ IOT cũng dần được sử dụng để tăng trải nghiệm của khách hàng.
Ví dụ với công nghệ AR, khi sử dụng điện thoại và hướng vào sản phẩm, nó sẽ cho phép bạn được nhìn thấy sản phẩm bên trong hộp, những nội dung được nhãn hàng thiết kế sẵn, thậm chí là những lời khuyên từ bác sĩ có liên quan đến sản phẩm. Một số nhãn hàng thời trang cao cấp đã sử dụng công nghệ AR để giúp khách hàng “thử đồ” thông qua phòng thay đồ ảo như Lacoste hay Timberland.
Xem thêm: 6 Mẹo Thiết Kế Bao Bì Thực Phẩm Nổi Bật
Kết luận
Hiện tại, cụm từ “bao bì thông minh” có thể còn mới mẻ với nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng sự thay đổi về bao bì, sự bùng nổ của mã QR đã cho thấy xu hướng thích ứng với công nghệ mới của Việt Nam rất tích cực.
Đức Phát hy vọng thông qua bài viết này, bạn đã hiểu về bao bì thông minh. Có thể chúng ta còn mù mờ về định nghĩa bao bì thông minh, nhưng nó vẫn đang ngày ngày len lỏi và làm thay đổi cuộc sống của mỗi người.